Tứ Diệu Đế (Pali: Cattari Ariya Sacca), hay còn gọi là Tứ Thánh Đế, là bốn chân lý cao quý được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khám phá và chia sẻ sau khi giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề. Đây được xem là một trong những giáo lý nền tảng của Phật giáo, giúp chúng ta thấu hiểu bản chất cuộc sống và hướng đến con đường giải thoát khỏi khổ đau. Vậy liệu bạn đã biết Tứ Diệu Đế cụ thể là gì?, nhân duyên ra đời và Tứ Diệu Đế gồm những gì? Hãy cùng DecorNow tìm hiểu về Tứ Diệu Đế thông qua phân tích nội dung của bốn chân lý ngay sau đây nhé!
Tứ Diệu Đế là gì?
“Theo Phật giáo, Tứ Diệu Đế (hay Tứ Thánh Đế) là “những sự thật của bậc thánh”, là những sự thật hay những cái có thật cho “những người xứng đáng về mặt tâm linh” – Theo Wikipedia.
Trong từ điển Hán – Việt, “Tứ” nghĩa là bốn (4); “Diệu” chỉ sự kỳ diệu, phép nhiệm màu; “Đế” là các sự thật hiển nhiên, chân lý đúng đắn nhất. Khi ghép lại “Tứ Diệu Đế” mang ý nghĩa Bốn chân lý về sự thật cuộc sống trong kiếp nhân sinh của chúng sinh mà Đức Phật Thích Ca giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề. Tứ Diệu Đế bao gồm 4 Chân lý, mỗi điều đều mang một ý nghĩa sâu sắc về con đường giải thoát và sự chấm dứt khổ đau.
- Khổ đế (Dukkha): Sự thật về khổ đau hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống.
- Tập đế (Samudaya Dukkha): Nguyên nhân dẫn đến khổ đau là tham muốn, si mê (tanha).
- Diệt đế (Nirodha Dukkha): Sự chấm dứt khổ đau là niết bàn – trạng thái giải thoát hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc.
- Đạo đế (Magga Dukkha): Con đường dẫn đến niết bàn là Bát Chánh Đạo – tám yếu tố dẫn đến sự thanh tịnh và giác ngộ.
Như vậy, người thấy rõ Tứ Diệu Đế, chứng ngộ Tứ Diệu Đế là điều kiện tất hữu để chứng quả A La Hán, đắc quả thành Phật.
Tứ Diệu Đế chứa đựng một bài học vô cùng quý báu của Đức Phật dành cho chúng sanh. Người thấu hiểu được bốn chân lý hiện hữu nơi trần gian này có thể mò mẫm, tìm đường cho sự tối tăm của trí óc, khai thông trí tuệ, mở ra con đường tu tập đến quả giác ngộ. Bốn chân lý của thánh như một ngọn đuốc thiêng liêng soi sáng, dẫn đường chúng sanh khỏi ngu muội của sự ham muốn, cám dỗ.
Theo các kinh điển Phật giáo, Đức Phật từng dạy rằng:
- Ai thấy rõ Tứ Diệu Đế là người có chính kiến, vĩnh viễn thoát ly khỏi tà kiến.
- Ai thấy rõ Tứ Diệu Đế, người đó sẽ có pháp nhãn, có đức tin không lung lay với giáo pháp.
- Ai thấy rõ Tứ Diệu Đế, người đó sẽ không còn vướng vào Tham – Sân – Si nữa.
- Chỉ những ai thấy rõ Tứ Diệu Đế mới có thể chứng quả, thoát khỏi luân hồi.
Nhân duyên ra đời của Tứ Diệu Đế
Theo Kinh điển Phật giáo, sau khi trải qua sáu năm khổ hạnh và thiền định dưới cội Bồ đề. Thái tử Tất Đạt Đa thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề và trở thành bậc Chính Đẳng Chính Giác, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài nhận thức rõ ràng về bản chất của cuộc sống, thấu tỏ 4 sự thật của thế gian bao gồm khổ đau, nguyên nhân, sự chấm dứt và con đường dẫn đến giải thoát – chính là Tứ Diệu Đế.
Tứ Diệu Đế gồm những chân lý gì?
Tứ Diệu Đế gồm bốn chân lý cao quý: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Mỗi chân lý đều mang một ý nghĩa sâu sắc về con đường giải thoát và sự chấm dứt khổ đau.
Khổ đế là gì?
Từ xưa đến nay, bất kể khi làm việc gì, trong hoàn cảnh nào mà gặp chuyện không như ý, không tốt lành chúng ta hay quan niệm “đời là bể khổ”. Đức Phật cho rằng cuộc sống này, khổ đau là sự thật, là bản chất luôn hiện hữu trong các vòng luân hồi. Khổ đế là chân lý đầu tiên trong bài pháp Tứ Diệu Đế.
Khổ đau hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau, len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống mà chúng sinh nào cũng phải gặp, từ khi sinh ra đến khi chết đi, bất kể thân phận hay địa vị. Đức Phật đã liệt kê 8 nỗi khổ đau mà mỗi chúng sinh đều phải trải qua:
- Sinh là khổ: Sự ra đời mang theo nhiều đau khổ và bất trắc.
- Già là khổ: Lão hóa mang lại sự suy giảm sức khỏe và tinh thần.
- Bệnh là khổ: Đau đớn và bệnh tật gây ra sự khó chịu và lo âu.
- Chết là khổ: Cái chết là sự chấm dứt của sự sống, mang lại nỗi sợ hãi và bi thương.
- Ái biệt ly khổ: Sự xa cách và mất mát những người thân yêu là nguồn gốc của đau khổ.
- Oán tắng hội khổ: Sự căm phẫn và sự hận thù.
- Cầu bất đắc khổ: Mong muốn không toại nguyện gây ra khổ đau.
- Ngũ ấm xí thạnh khổ: Sự gắn bó với sự thất vọng và sự thất bại.
“Chân lý thứ nhất – Khổ đế – của Tứ Diệu Đế nói về tính chất của khổ như sau:
Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ.
Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ” Theo Wikipedia
Các nỗi khổ đau trong Tứ Diệu Đế có thể được chia thành hai phương diện: phương diện sinh lý và phương diện tâm lý.
Về phương diện sinh lý: đau khổ là một cảm giác đau đớn, khó chịu khi bị tác động vật lý. Bị gai nhọn đâm, hay chỉ một hạt cát bay vào mắt cũng khiến ta khó chịu về thể xác. Khi ta còn nhỏ dễ mắc nhiều bệnh do sức đề kháng còn thấp. Khi ta già, ta mắc các bệnh đãng trí, mắt mờ, … Chính vì thế, còn luân hồi là còn khổ.
Về phương diện tâm lý: khi ta cầu mong, mong đợi một điều gì đó, như cầu công danh, sự nghiệp, tình yêu, … nhưng không được như ý, đó là đau khổ. Gia đình, người yêu, những người mà mình thân thích, những người mình thương nhưng chia lìa, không thể ở gần. Còn những người mình ghét mà gặp gỡ mãi, tất cả đều là khổ.
Sinh là khổ
Sinh là nỗi khổ trong giai đoạn mang thai và sinh ra của mỗi con người, kể cả mẹ và con. Đối với người mẹ, đó là nỗi đau thể xác và tinh thần, nào là nôn ói, suy nhược cơ thể, đau đớn. Đối với người con, khi còn là bào thai đứa trẻ dần hình thành những cảm xúc đầu tiên và có thể cảm nhận được nóng khi người mẹ ăn thức ăn nóng, cảm thấy lạnh khi người mẹ ăn thức ăn lạnh.
Người mẹ mà căng thẳng, tâm trạng buồn rầu thì cũng ảnh hưởng đến người con. Thai nhi phải sống trong bụng mẹ chín tháng mười ngày tối tăm, chật hẹp và khi sinh ra phải sự chuyển từ môi trường ấm áp, bảo vệ trong bụng mẹ ra thế giới bên ngoài đầy bỡ ngỡ và không thoải mái cũng là một trải nghiệm đầy đau khổ.
Già là khổ
Sự khổ khi tuổi già đến. Khi con người già đi, họ thường phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như viêm khớp, suy giảm trí nhớ, mắt mờ, tai lãng, làn da khô nhăn, sức lực mất dần và khi ăn không còn cảm giác ngon, giấc ngủ thì không trọn vẹn, … Dù là thanh niên trai tráng hay một thiếu nữ xinh đẹp đều không tránh khỏi tuổi già yếu theo quy luật vô thường. Những hoạt động mà họ từng dễ dàng thực hiện khi còn trẻ trở nên khó khăn và đôi khi là không thể.
Khi già tinh thần thường lú lẫn, quên trước quên sau, lãng tai nên khi được hỏi chuyện này thì trả lời chuyện khác; Tuổi già làm cho chúng ta thiếu minh mẫn, mọi sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, đi lại, … đều chậm và không được sạch sẽ; Có trường hợp tuổi càng cao, sức lực cạn kiệt nên mất đi khả năng tự chăm sóc, phải nằm một chỗ nhờ sự trợ giúp từ người thân. Nhưng không phải lúc nào cũng gặp được con cháu chịu thương và chịu khó chăm lo, có những người vì thiếu tính kiên nhẫn, hoặc vô ơn nghĩa nuôi nấng của đấng sinh thành mà sinh nhà chán, xa lánh và trốn tránh bổn phận.
Cảm giác lạc lõng khi không còn có thể tự chăm sóc bản thân cộng thêm thái độ vô trách nhiệm của con cháu khiến người tuổi già phải chịu nhiều tuổi khổ, sầu não.
Bệnh là khổ
Khổ vì bệnh tật, là sự khổ trong cơn đau đớn khi thân có bệnh. Đã là bệnh tật thì dùng là bệnh nhẹ như đau răng, đau bụng, nhức đầu, … đến những bệnh nặng nguy hiểm liên quan đến gan, thận, tim hay đường hô hấp đều là khổ.
Một người đang mắc bệnh ung thư phải chịu đựng nhiều đau đớn thể xác và tinh thần. Họ phải trải qua những đợt hóa trị, xạ trị đau đớn, ăn uống khó khăn, suy sụp về thể lực và những liệu pháp điều trị như hóa trị, xạ trị gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Bệnh tật khiến họ mất đi năng lượng sống, phải phụ thuộc vào người thân chăm sóc.
Sự lo lắng về tương lai và gánh nặng tài chính cũng là những nỗi khổ tâm lớn.
Chết là khổ
Là sự khổ trong thời điểm con người nằm giữa ranh giới sinh – tử, nỗi sợ hãi lúc mất đi và bi thương để lại cho những người thân yêu. Phàm là con người thì bất kể là giàu sang, ăn mặc sung sướng cho đến những người sống cơ cực, khốn cùng thì ai cũng tham sống sợ chết. Khi đứng trước cửa sinh – tử, con người lại khát khao sự sống hơn bao giờ hết;
Một người biết mình sắp chết vì một căn bệnh nan y, phải đối mặt với nỗi sợ hãi về cái chết, sự tiếc nuối cho những điều chưa thể hoàn thành, sự chia ly với gia đình và bạn bè. Những suy nghĩ về sự vô thường của cuộc sống và sự đau đớn về thể xác trong những ngày cuối đời khiến họ cảm thấy đau khổ và bất an.
Ngoài ra, khi một người thân yêu qua đời, những người sống sót sẽ rơi vào nỗi đau, bi thương vô hạn. Họ phải chịu đựng nỗi cô đơn, trống vắng và phải học cách sống tiếp mà không có người thân đó bên cạnh. Cái chết luôn là một sự kiện không thể tránh khỏi, khiến con người phải đối mặt với sự vô thường của cuộc sống.
Ái biệt ly khổ
Sự xa cách và mất mát những người thân yêu là nguồn gốc của đau khổ. Ái biệt ly khổ có hai loại:
Khổ sinh ly: Trong thời chiến, có thể thấy rõ điều này qua hình ảnh những người thanh niên, người con mà các bậc cha mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày phải xa gia đình vào nơi chiến trận. Cảnh tượng đau xót tiễn con lên chiến trường, một khi đi có thể không trở về được. Trong thời bình, nỗi đau sinh ly thể hiện qua một người đi làm xa quê hương, xa gia đình và bạn bè, cảm thấy cô đơn và nhớ nhung những người thân yêu, không thể trực tiếp chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với họ.
Khổ tử biệt: Khi tử thần cướp đi người thân, người ở lại phải chịu cảm giác bơ vơ, cảm thấy cô đơn, nhớ nhung và đau khổ khi không thể ở gần người mình yêu thương, phải sống trong sự thiếu vắng và trống trải. Những đứa trẻ mồ côi do gia đình cha mẹ, anh em qua đời phải nương thân tại cô nhi viện.
Cảnh sinh ly và tử biệt đối với những người mình thân thích, yêu thương thật vông cùng đau khổ.
Oán tắng hội khổ
Trong dân gian có câu thành ngữ “Oan gia ngõ hẹp” là một diễn giải cho sự khổ này. “Oan gia” là từ ám chỉ những cá nhân có thù hằn với nhau mà phải làm việc, đụng mặt nhau trong cùng một ”ngõ hẹp” tức là một môi trường sống hoặc nơi làm việc. “Oán tắng hội khổ” theo giáo pháp Tứ Diệu Đế không chỉ là gặp những người mình chẳng ưa thích mà còn bao gồm những chuyện không vừa ý mà chúng ta vẫn phải chấp nhận đau khổ làm theo.
Ngày qua ngày, nỗi ức chế, căm phẫn, hận thù và ghen tuông gây ra nhiều đau khổ phải kìm giữ trong tâm hồn. Sự căm phẫn, bất đồng và xung đột giữa họ tạo ra một môi trường làm việc căng thẳng, khiến cả hai đều cảm thấy khó chịu và không hạnh phúc.
Cầu bất đắc khổ
Là sự khổ khi mong cầu không toại ý, những mong cầu hay ước nguyện của chúng sinh không được đáp ứng, thoả mãn. Cũng tức là mong cầu các nguyện ước tốt lành không thành, cầu nguyện thoát khỏi các vận xui không được. Tóm lại, ngàn muôn ước vọng mà không toại nguyện đều dẫn đến thất vọng, nỗi khổ tâm, cho nên được gọi là Cầu bất đắc khổ.
Trong cuộc sống, chúng sinh có rất nhiều khát vọng, mơ ước và nguyện cầu. Thoát nghèo hèn trở nên giàu sang, chưa có việc làm muốn có công việc như ý, xấu xí muốn thành xinh đẹp, muốn có con hiếu thuận nên người, … Tất cả sự mong cầu đó mà không được như ý nguyện, thì đều khiến chúng ta khổ.
Ngũ ấm xí thạnh khổ
Ngũ ấm hay còn được gọi là ngũ uẩn, là năm yếu tố cấu thành con người, toàn bộ thân tâm. Con người luôn gắn bó với năm uẩn:
- Sắc uẩn: nhận biết mình có thân và sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Sắc uẩn luôn thay đổi do tác động của yếu tố bên ngoài.
- Thọ uẩn: là toàn bộ các cảm giác được sinh ra từ sự tiếp xúc giữa sáu giác quan, mang tính vô vô thường, luôn thay đổi.
- Tưởng uẩn: là sự phân biệt, nhận biết sự khác biệt giữa các đối tượng được phát sinh từ thọ uẩn. Mang tính chủ quan do mỗi người nhận thức khác nhau.
- Hành uẩn: là tất cả các ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước khi hành động. Bao gồm thân hành, khẩu hành và ý hành.
- Thức uẩn: là nhận thức rõ ràng về đối tượng, phát sinh từ tưởng uẩn và hành uẩn.
Một người luôn gắn bó và chấp trước vào hình thức (sắc), cảm giác (thọ), nhận thức (tưởng), hành vi (hành), và ý thức (thức). Khi một trong những yếu tố này bị thay đổi, như mất đi một người thân (thọ), hoặc gặp thất bại trong sự nghiệp (hành), người đó sẽ cảm thấy đau khổ và bất an.
Tập đế là gì?
Tập đế là chân lý thứ hai trong Tứ Diệu Đế, chỉ ra những nguyên nhân tích tụ lâu ngày dẫn đến khổ đau của chúng sanh. Theo Đức Phật, nguyên nhân chính của mọi khổ đau đều bắt nguồn từ Tham – Sân – Si, do vô minh, ham muốn, khao khát mà dẫn đến dính mắc vào những thứ lỗi lầm, tội lỗi của con người. Lòng tham ái bao gồm:
- Dục vọng (kāma-tṛṣṇā): Khao khát các khoái lạc giác quan và sự thỏa mãn dục vọng.
- Hữu ái (bhava-tṛṣṇā): Khát khao sự tồn tại và trường tồn.
- Phi hữu ái (vibhava-tṛṣṇā): Sự chấp thủ vào quan niệm rằng mình không tồn tại.
Sự vô minh của con người làm chúng sanh u mê, không nắm rõ bản chất của sự vật sự việc, cứ đâm đầu vào những thứ làm mình thỏa mãn. Vô minh sinh ra sự tự cao, tự tôn và lòng tham lam. Do vô minh mà không thấy rõ được vô thường của mọi vật trên thế gian này, từ đó sinh ra những nỗi khổ riêng của chúng sanh.
Vì thế Đức Phật đã dạy chúng sanh cần giữ tâm trí thanh tịnh, không sa ngã vào những thú vui, dục vọng, không tham lam, ích kỷ từ đó sẽ xoá bỏ tập để, không còn phiền não, khổ đau.
Diệt đế là gì?
Chân lý thứ ba trong Tứ Diệu Đế là gì? Diệt đế là chân lý thứ ba và cũng là chân lý thể hiện sự chấm dứt hay dập tắt mọi nguyên nhân dẫn đến phiền não, khổ đau của chúng sanh. Đức Phật dạy rằng, bằng cách loại bỏ tham ái và những dục vọng, chúng ta có thể đạt được trạng thái Niết bàn.
Niết bàn là trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não. Khi đạt được niết bàn, chúng ta không còn bị chi phối bởi tham muốn, si mê và sự chấp trước. Niết bàn không phải là một nơi chốn cụ thể, mà là một trạng thái tâm thức thanh tịnh, an lạc và trí tuệ.
“Niết-bàn (sa.nirvāṇa) trong Phật giáo và Ấn Độ giáo, là mục đích chính và cuối cùng của các nhà tu hành”. Theo Wikipedia.
Đạo đế là gì?
Chân lý cuối cùng trong Tứ Diệu Đế là Đạo đế. Đạo đế được ví như là con đường tu tập, lối sống hay phương pháp thực hiện để hưởng sự an lạc, giải thoát, hạnh phúc. Có thể nói, toàn bộ bài giảng của Đức Phật được ghi chép thông qua các kinh văn được lưu truyền cho đến ngày nay đều là Đạo đế. Trong các lời giảng ấy, có tám con đường thực hành giúp con người sống một cuộc sống đúng đắn và đạt được sự giác ngộ gọi là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo bao gồm:
- Chánh kiến: Nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, đâu là thiện, đâu là ác. Hiểu rõ bản chất của vạn pháp là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Nhìn nhận được bản chất của khổ đau, nguyên nhân, sự chấm dứt và con đường tu tập để chấm dứt khổ đau.
- Chánh tư duy: Dùng đầu óc để suy nghĩ kĩ càng về các việc làm tội lỗi, hướng bản thân theo con đường hướng thiện. Dẹp bỏ những suy nghĩ xấu, từ đó kéo theo hành động sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
- Chánh ngữ: Không dùng lời nói để gây ra đau khổ cho người khác. Không gây chia rẻ, căm thù, nói xấu, phải dùng những lời lẽ tốt đẹp để xây dựng niềm tin, đoàn kết, hoà thuận.
- Chánh nghiệp: Không thực hiện những hành vi sai trái như giết hại, trộm cắp… Cần làm việc hướng thiện, giúp đỡ người khác, thương yêu, bố thí.
- Chánh mạng: Nghề nghiệp để mưu sinh, kiếm sống phải là nghề chân chính, không phạm pháp.
- Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng đắn, tức là nỗ lực bỏ ra để làm việc thiện, không làm những điều sai trái, gây hại người khác.
- Chánh niệm: Luôn ý thức được về hành động và suy nghĩ của bản thân, không để những cám dỗ, những lời dụ ngọt dẫn dắt vào con đường tăm tối, tội lỗi.
- Chánh định: Tập trung tư tưởng đúng đắn, không để tâm trí bị rối loạn.
Trình tự của Tứ Diệu Đế là gì?
Qua bốn yếu tố của Tứ Diệu Đế, chúng ta có thể thấy một trình tự và diễn biến vô cùng hợp lý mà Đức Phật đã dạy bảo cho chúng sanh. Đầu tiên, Ngài cho chúng ta xem qua viễn cảnh đau khổ ngay trước mắt chúng ta. Là một con người, nằm trong quy luật luân hồi nên vẫn còn cái khổ bám víu chúng ta. Không ai có thể không bị đau, bị bệnh, và mất đi. Có sinh ắt có diệt, có thân ắt có khổ.
Sau khi đã cho mọi người thấy được sự đau khổ, Đức Phật cho chúng ta thấy nguyên nhân của mọi khổ đau. Ngài chỉ cho chúng ta nguồn gốc của mọi sự đau khổ của con người đến từ ham muốn và vô minh. Và tiếp đó là dạy chúng ta giải thoát đau khổ sẽ được hạnh phúc.
Cuối cùng, để chúng ta thoát được đau khổ, Ngài dạy chúng sanh phương pháp tu tập để đạt được hạnh phúc đấy. Đức Phật khéo léo trình bày cho chúng sanh từ cái sự thật trước mắt, cho đến nguyên nhân, sau đó cho ta động lực để quyết tâm giải thoát khổ đau. Và đến cuối là chỉ bảo cách để thực hiện thông qua Bát chánh đạo và những lời giảng được các đệ tử ghi chép qua kinh văn.